Tiết chuyên đề của khối 2 được thực hiện bởi cô giáo Phạm Thanh Thúy là một tiết chuyên đề giàu tính sáng tạo, mang nhiều màu sắc hấp dẫn và được đánh giá cao. Tiết chuyên đề thu hút các bạn học sinh ngay từ đầu bài học. Khác với những cách vào đề thông thường, cô Phạm Thanh Thúy đã chọn một cách vào bài khiến cho các bạn học sinh bị cuốn hút hoàn toàn. Những đôi mắt xoe tròn, long lanh chăm chú lắng nghe câu chuyện.
Chuyện kể rằng:
Ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc 2A3 vô cùng xinh đẹp, cậy cối quanh năm tươi tốt, trăm hoa đua nhau nở, chim chóc hót líu lo... Một hôm, nhà vua và hoàng hậu muốn tìm người tài giỏi để làm quan tể tướng luôn ở bên cạnh nhà vua, giúp ông tìm kế sách xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn. Có rất nhiều người đến dự thi. Vua và hoàng hậu đã thử tài họ bằng cách yêu cầu đi tìm chiếc chìa khoá vàng để mở ra cánh cổng tri thức cho vương quốc của mình. Con đường đi tìm chìa khoá phải vượt qua những ngọn núi vô cùng gian nan và hiểm trở. Trên đường đi, họ gặp phải một mụ phù thủy, mụ phù thủy độc ác nhốt họ vào ngôi nhà đá tối om và lạnh lẽo. Mụ đưa ra câu đố:
Cái gì chúm chím đáng yêu
Thốt lời vàng ngọc, nói nhiều điều hay?
(Đáp án: Cái miệng)
Ai trả lời được câu đố này sẽ được nhận chiếc chìa khoá để mở rộng cánh cửa tri thức cho vương quốc.
Các bạn học sinh vô cùng hào hứng, nghe xong câu chuyện, bạn nào cũng giơ tay thật cao mong được trả lời để nhận chìa khóa vàng từ tay cô giáo. Cả lớp ho to: “Cửa ơi, mở ra”. Một lần, hai lần, ba lần… Cửa mở ra rồi. Cả lớp vỡ òa vui sướng. Cánh cửa mở ra bài học “Giá trị của lời cảm ơn, xin lỗi”
Học sinh trả lời được câu đố trong câu chuyện cô vừa kể lên mở cánh cửa "Tri thức" cho vương quốc 2A3
Để tìm hiểu bài học, các bạn học sinh được tham gia đóng kịch các tình huống và xem đoạn phim hoạt hình câu chuyện về lời cảm ơn. Tiếng “cảm ơn” thốt ra làm người nói và người nghe đều vui. Lời cảm ơn không chỉ cho thấy bạn là một người ngoan ngoãn, đáng yêu, mà nó còn khuyến khích người khác làm điều tốt đẹp cho bạn. Lời cảm ơn hay lòng biết ơn tạo nên sợi dây liên kết bền vững, kéo mọi người lại gần nhau. Những thông điệp đó đi vào lòng các bạn học sinh một cách nhẹ nhàng và vui vẻ.
Các bạn học sinh được tham gia đóng kịch các tình huống.
Một diễn viên nhí đáng yêu trong vở kịch tình của huống thứ nhất.
Vai bà cụ già trong vở kịch tình của huống thứ hai.
Bạn không nên chần chừ hay đợi đến lúc thích hợp mới xin lỗi mà phải nói ngay. Khi xin lỗi bạn không cần kiểu cách hay trau chuốt lời nói mà chỉ cần sự chân thành.
Cũng như vậy nghệ thuật nói lời xin lỗi cũng được cô Phạm Thanh Thúy dẫn dắt rất ngọt ngào, khéo léo khiến cho các bạn học sinh và các thầy cô tham dự đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thông điệp của nghệ thuật nói lời xin lỗi chính là: “Bạn không nên chần chừ hay đợi đến lúc thích hợp mới xin lỗi mà phải nói ngay. Khi xin lỗi bạn không cần kiểu cách hay trau chuốt lời nói mà chỉ cần sự chân thành”.
Cô Phạm Thanh Thúy dẫn dắt rất ngọt ngào, khéo léo khiến cho các bạn học sinh và các thầy cô tham dự đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nắn nót từng nét chữ viết ý nội dung bài học vào vở của mình.
Hoạt động nhóm sôi nổi.
Sau bài học các bạn học sinh còn được thực hành làm những tấm thiệp mang thông điệp yêu thương đến cho người thân và bạn bè. Bài thực hành ý nghĩa và bổ ích đã đem lại niềm vui thật lớn cho các bạn học sinh lớp 2A3.
Các bạn ấy còn được thực hành làm những tấm thiệp mang thông điệp yêu thương đến cho người thân và bạn bè.
Niềm vui,...
... và hạnh phúc sau khi hoàn thành sản phẩm của mình.
Đây sẽ là món quả cảm ơn của tớ tặng mẹ.
Và đây nữa, tấm thiệp của tớ có chữ "Thank you"
Những sản phẩm được các bạn học sinh xếp lại thành một hình bông hoa.
Thật tò mò không biết những tấm thiệp viết gì? Đó chính là:
- Cảm ơn ba mẹ vì đã chăm sóc con khi con ốm.
- Con cảm ơn mẹ đã chăm sóc con.
- Con cảm ơn bố mẹ đã yêu thương con.
- Con xin lỗi bố mẹ vì con đã làm vỡ lọ hoa.
- Con xin lỗi bố mẹ vì đã có lúc con không ngoan.
\- Con cảm ơn bố mẹ đã yêu con, con xin lỗi vì con đã làm vỡ cốc nước nhà mình.
- Con xin lỗi vì đã làm vỡ bình của mẹ.
Bùi Xâm