» Tin tức
Gương mặt tiêu biểu
Làm gì để cho trẻ có một hàm răng chắc khỏe?

 Trẻ em có rất nhiều thói quen xấu ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống răng-hàm. Để giúp trẻ có một hàm răng phát triển chắc khỏe và nụ cười xinh tươi, BS.Lưu Đình Trứ - Trưởng khoa Răng - Hàm- Mặt  bệnh viện Nhi đồng 2 hướng dẫn cách chăm sóc răng cho trẻ như sau :

Mối liên quan giữa răng và nướu

 Răng muốn tốt phải có nướu lành mạnh, nướu muốn lành mạnh cần phải có răng sạch. Răng tốt sẽ giúp cho trẻ ăn ngon, có sức khỏe tốt, phát âm rõ , hơi thở thơm tho.

Muốn nướu và răng tốt thì phải:

-Ăn những thức ăn bổ dưỡng để giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển.

-Chải răng sạch mỗi ngày (sau mỗi khi ăn và trước khi ngủ)

-Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng.

Răng sữa là gì?

Là những răng mọc đầu tiên trong đời của trẻ tù lúc 6-7 tháng tuổi cho đến khoảng gần 3 tuổi (sẽ có 20 răng:10 răng ở hàm trên và 10 răng ở hàm dưới). Các răng mọc trong thời gian trẻ còn bú mẹ và màu sắc  của răng có màu trắng sữa nên được gọi là răng sữa hoặc răng tạm thởi. Các răng sữa này có vai trò rất quan trọng giúp cho trẻ ăn ngon, phát âm tốt...và còn là người dẫn đường giúp các răng vĩnh viễn sau này mọc lên đúng vị trí. Do đó bộ răng sữa này rất cần được bảo vệ tốt dù rằng khi trẻ được 5 tuổi trở lên, các răng sữa này sẽ lẩn lượt được thay thế bằng hệ răng vĩnh viễn.

Răng sữa là tạm thời, không cần chăm sóc?

Quan niệm này hoàn toàn sai vì răng sữa cũng đầy đủ chức năng:

+ Nghiền nát thức ăn→dễ tiêu hóa

+Phát âm tốt

+Thẫm mỹ

+Giúp Răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí.

Do đó tuy là răng tạm thời nhưng răng sữa vẫn cần được chăm sóc tốt vì răng sữa không khỏe mạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn thân của trẻ.

 Khi nào bắt đầu cho trẻ đánh răng?

 Ngay từ khi mọc răng, trẻ phải được chăm sóc tốt về răng và nướu: Sau khi bú nhất là ở trẻ bú sữa không phải là sữa mẹ, phụ huynh phải dùng gòn, gạc sạch thấm nước đun sôi đã để nguội  lau chùi các mặt răng, nướu và lưỡi. Khi trẻ được 3 tuổi nên tập cho trẻ chải răng bằng bàn chải trẻ em và kem đánh răng dùng cho trẻ em (loại  không có Fluor). Không được dùng kem đánh răng của người lớn vì trong kem đánh răng người lớn có Fluor, trẻ nuốt vào lâu ngày sẽ gây ngộ độc Fluor khiến răng sẽ có đốm vàng, trắng trên bề mặt. (Fluor nếu dùng đúng liều lượng thì rất tốt cho răng giúp bảo vệ men răng, phòng ngừa sâu răng). 

Tập cho trẻ chải răng đúng cách, chải tất cả các mặt răng, động tác chải theo chiều dọc thân răng và xoay tròn trên mặt nhai.

Trẻ thích bú đếm – làm sao để răng không bị sâu?

 

Đây thực sự là một vấn đề rất quan trọng mà các bà mẹ cần lưu ý. Sâu răng là do 3 yếu tố: Răng, vi khuẩn, thức ăn. Trẻ bú sữa đêm, nhất là với sữa công thức, trẻ thường ngậm bình sữa bú rồi ngủ, khiến sữa bám vào men răng tạo điều kiện cho vi khuẫn trong miệng lên men acid, chất này tác hại  lên men răng làm sâu răng. Do đó dù là ban đêm sau khi cho trẻ bú, các bà mẹ phải dùng bông gòn hoặc gạc sạch nhẹ nhàng lau sạch răng, sau đó cho trẻ uống 1 ít nước sạch thì sẽ tránh được sâu răng. 

Làm sao để  trẻ có một hàm răng tốt?

-Răng sữa sẽ dần dần được thay thế bằng răng vĩnh viễn khi trẻ lên 5 tuổi và hoàn tất khi trẻ được khoảng 12 tuổi.

-Tất cả các răng vĩnh viễn bắt đầu ngấm vôi khi trẻ lên 3 tháng (trừ răng hàm thứ nhất ngấm vôi lúc mới sanh và răng khôn ngấm vôi vào lúc 8 tuổi). Do đó để trẻ có hàm răng tốt, cần :

   *  Cung cấp cho trẻ chế độ ăn uống đủ 3 loại thực phẩm; thực phẩm tăng trưởng (thịt, cá, trứng…), thực phẩm bảo vệ (các vitamin, khoáng chất) và thực phẩm cung cấp năng lượng (dầu, mỡ, đường).  

   *  Chải Răng đúng cách.

  *   Sử dụng Fluor:

     Fluor hòa nước uống: ở những nơi có nước máy với liều 0,7ppm-1ppm.

     Viên Fluor nên cho trẻ uống từ khi mới sinh đến 12 tuổi . Liều dùng:  

             Từ 0-6 tháng : 0.25 mgf/ngày

             Từ 6-18 tháng: 0.25-0.5 mgf/ngày

             Từ 18 tháng-2 tuổi: 0.25-0.75mgf/ngày

             Trên 2 tuổi: 0.5-1mgf/ngày

 *  Khám Răng định kỳ 6 tháng/1 lần.

Lưu ý: Kem đánh răng có Fluor chỉ nên áp dụng cho trẻ trên 6 tuổi.

BS.Lưu Đình Trứ 
Trưởng khoa Răng Hàm Mặt- BV Nhi Đồng 2 - TP HCM

Nguồn : GDSK – BV Nhi Đồng 2  - TP HCM

 

 
Các tin khác