» Tin tức
Gương mặt tiêu biểu
Khi trẻ ham mê chơi điện tử

Một khi trẻ đã "nghiện" chơi điện tử thì việc kéo trẻ ra khỏi trò chơi, hay "cai nghiện" cho trẻ là điều rất khó. Tuy nhiên, việc hạn chế những tác động tiêu cực của những trò chơi này lên trẻ là điều có thể.

- Cha mẹ hãy quan tâm đến trẻ nhiều hơn, cần quản lý quỹ thời gian của con, nhất là khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu “la cà” sau giờ học.

- Không thể phủ nhận một số lợi ích mà một số trò chơi điện tử lành mạnh mang lại cho trẻ em như vui nhộn, rèn luyện kỹ năng đọc hình ảnh, khả năng nhận thức về không gian, kỹ năng phản ứng nhạy bén nhưng bên cạnh đó cũng nên lưu ý giữ gìn sức khỏe bằng cách sắp xếp thời gian chơi hợp lý, điều độ, cân đối giữa việc học và chơi.

- Những lúc gia đình vui vẻ thì nên giải thích cho con hiểu việc chơi điện tử nhiều quá sẽ có tác hại ra sao. Nên tìm lời ngắn, dễ hiểu, và nhẹ nhàng, có thể phải nói đi nói lại nhiều lần. Có thể lấy các dẫn chứng để cho trẻ thấy nếu ham mê điện tử quá sẽ có những hậu quả khôn lường như thế nào đến sức khỏe, tiền bạc, học hành và nhân phẩm.

- Tìm những thú vui giải trí khác cho trẻ để trẻ không chơi điện tử liên tục đồng thời tăng cường được các hoạt động rèn luyện thể lực, trí sáng tạo và giao lưu như chơi thể thao, chế tạo đồ chơi, đọc sách…Nếu có thời gian và điều kiện thì nên đưa cháu đi chơi, đi dạo công viên, gần gũi với thiên nhiên, tiếp xúc với bạn bè…Nói chung là hướng hứng thú của trẻ vào những hoạt động khác.

- Khi trẻ còn nhỏ, khoảng 3 tuổi, ngại dỗ trẻ khi trẻ quấy khóc nên nhiều bậc cha mẹ thường cho con chơi điện tử. Đây cũng chính là một con đường dẫn đến việc sau này trẻ mê điện tử mà các bậc cha mẹ nên tránh.

- Không nên cấm tuyệt đối trẻ chơi điện tử mà chỉ có thể giúp trẻ biết kiểm soát được giờ chơi, có sự tỉnh táo hơn trong việc sắp xếp giữa chuyện học và chuyện chơi rồi dần dần, giúp cháu có khả năng tự chủ hơn. Đây là một quá trình "trị liệu" lâu dài, đòi hỏi sự hiểu biết và nhận thức của bố mẹ hơn là ý thức của đứa con. Cha mẹ nên dành thời gian chơi với con, hướng dẫn trẻ cách chơi. Nhà có điều kiện có thể mua máy tính, nối mạng cho con chơi ở nhà để quản lý. Cũng có thể coi chơi điện tử như một phần thưởng cho trẻ khi làm được một việc tốt nào đó. Nên cương quyết không cho trẻ chơi quá nhiều. Cha mẹ nên quy định thời gian cho trẻ chơi điện tử mỗi ngày chừng 25-30 phút. Tốt nhất là cha mẹ cài đặt password cho máy vi tính để trẻ không tự tiện mở chơi.

- Trẻ được người lớn cho tiền thường không biết sử dụng vào việc gì ngoài việc mang tiền ra quán Internet chơi điện tử, do đó để ngăn chặn trẻ chơi điện tử thì cha mẹ không nên cho trẻ cầm tiền, không nên thưởng cho trẻ bằng tiền mà nên thay bằng các vật chất khác như đồ chơi, hộp bút mới… Cha mẹ cũng cần quản lí tiền cẩn thận không để trẻ lấy trộm tiền của cha mẹ đi chơi điện tử. Có một số quán Internet ở gần nhà vì quen biết nên thường cho trẻ chơi chịu tiền đến khi nào có tiền sẽ trả hoặc sau đó đến đòi bố mẹ trả tiền. Vì vậy cha mẹ cần nói chuyện với những người chủ quán này, không cho trẻ chơi khi không có sự đồng ý của cha mẹ.

- Xây dựng tình bạn cho trẻ: khi trẻ có những người bạn thân, trẻ thích chơi với bạn sẽ giúp trẻ từ bỏ ham mê điện tử và học hỏi được nhiều điều hay từ bạn. Cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ kết bạn với những trẻ ngoan, không ham mê điện tử… Cha mẹ có thể biến căn nhà của mình thành môi trường để cho trẻ và các bạn của trẻ chơi đùa và học hỏi.

- Cha mẹ nên phối hợp thường xuyên với nhà trường trong việc quản lí trẻ, nhờ giáo viên và tập thể lớp hỗ trợ trong việc giúp trẻ từ bỏ ham mê chơi điện tử.

Hiện nay còn xuất hiện rất nhiều các loại trò chơi game không lành mạnh, bạo lực, game sex ảnh hưởng đến lối sống và nhân phẩm của trẻ. Vì vậy các bậc cha mẹ nên cảnh giác, ngoài giờ làm việc, nên thường xuyên chăm sóc và nói chuyện với trẻ. Cùng trẻ giải quyết và tháo gỡ những khó khăn trong học tập cũng như trong tâm lý của trẻ. Tránh buông lỏng  khiến trẻ rơi vào cơn "nghiệm" game lúc nào không hay.

 

 
Các tin khác