» Tin tức
Gương mặt tiêu biểu
Học sinh tiểu học không cần học thêm

Lý do gì khiến cho tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT) ở bậc tiểu học (TH) trở nên phổ biến? Những giải pháp nào sẽ được triển khai để quản lý tình trạng này tại Hà Nội? Và học sinh (HS) tiểu học có cần thiết phải đi học thêm hay không?... Để tìm lời giải đáp cho những vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội).

- Thưa ông, việc bố trí thời khóa biểu ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố hiện có bảo đảm cho HS hoàn thành chương trình học theo quy định không?


- Giáo viên (GV) và phụ huynh HS cần phải nhận thức rõ rằng, đối với lứa tuổi HSTH, thời gian học và chơi cần phải được cân đối hài hòa, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Hiện nay, 80% HSTH ở Hà Nội đã được học cả ngày ở trường, có nghĩa là các em đã học 7 tiết các môn văn hóa, mỗi môn trung bình 35 phút trong một ngày. Như vậy là đủ thời lượng để hoàn thành chương trình học được thiết kế cho HS cả nước, hầu hết chỉ học một buổi.

 

- Nhưng, GV và phụ huynh lại cho rằng, học hết chương trình đại trà là chưa đủ và dưới khả năng của HS thành phố và vì thế, trẻ phải học thêm, thưa ông?

- Đây đúng là tâm lý chung của khá nhiều phụ huynh. Họ luôn muốn HS và con cái của mình phải học giỏi hơn bạn bè, nhiều khi vượt quá khả năng của chúng. Nhưng để đạt mong muốn này cũng không cần tới các lớp học thêm bởi nhiều năm qua, Sở GD-ĐT đã rất quan tâm tới vấn đề dạy học phân hóa. Nghĩa là, trong một lớp, GV phải căn cứ vào mức độ tiếp thu của HS để hoặc cho thêm bài nâng cao với những em có khả năng về nhận thức kiến thức để tạo hứng thú trong học tập cho các em; hoặc phải kèm cặp, hướng dẫn kỹ hơn với những HS trung bình, yếu để các em hoàn thành các kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình.

Qua thực tế chỉ đạo cũng như dự giờ, thăm lớp, tôi cho rằng, nhìn chung các cô giáo TH đều hiểu và có khả năng triển khai dạy học phân hóa trong những giờ chính khóa, trong các tiết tăng cường và tự học có hướng dẫn.

- Vậy thì theo ông, lý do gì khiến các lớp DTHT ở TH lại phổ biến như hiện nay, phải chăng, như dư luận đã từng phân tích: Vì GV muốn nâng cao thu nhập?

- Lý do khiến cho tình trạng DTHT ở bậc TH trở nên phổ biến và gây bức xúc trong dư luận cũng đã được "mổ xẻ" nhiều. Cả GV và phụ huynh đều kỳ vọng vào thành tích học tập của trẻ, để con cái mình có kết quả học tập không thua bạn, kém bè, để HS của mình nhanh tiến bộ, đạt thành tích không kém lớp bên cạnh. Họ nghĩ rằng, việc tăng thời lượng học tập sẽ có thể rèn thêm kỹ năng, củng cố kiến thức cho trẻ. Không ít bậc cha mẹ cho con đi học thêm còn vì tâm lý đám đông, vì sợ không đi học thêm không được cô giáo đối xử công bằng. Cũng có người cho con đi để rảnh tay lo việc của mình, hoặc không ít phụ huynh vì thiếu phương pháp giáo dục, không biết dạy con bằng cách nào nên chỉ còn tìm đến và trông cậy vào cô giáo. Và có cả lý do thu nhập của GV.

Và còn một lý do không kém phần quan trọng là cơ quan quản lý chưa có giải pháp triệt để để hạn chế những tiêu cực của vấn đề DTHT. Mặc dù từ năm 2011, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tham mưu với UBND thành phố ban hành Quyết định số 14 về quản lý DTHT trên địa bàn, trong đó đã quy định rõ không DT ở cấp TH, song đây là một vấn đề xã hội khá phức tạp cho nên quy định của thành phố chưa được triển khai một cách hiệu quả.

- Có phải, vì sự "phức tạp" và "nhạy cảm" của vấn đề nên quyết định nói trên cho phép GV trông giữ HS ngoài giờ theo nhu cầu của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện? Bây giờ, theo tinh thần Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT vừa ban hành và Hà Nội cũng như các địa phương đang xây dựng hướng dẫn thực hiện thì "lối đi" này có còn được mở nữa hay không, thưa ông ?

- Trước đây, đưa vấn đề trông giữ HS ngoài giờ lên lớp vào quy định là xuất phát từ nhu cầu của không ít phụ huynh HS, cũng như do điều kiện của một số trường chưa tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Nay Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, một văn bản có tính quy phạm pháp luật cao về DTHT đã được ban hành, thì các địa phương có trách nhiệm phải tuân thủ nghiêm những điều đã được quy định. Sở GD-ĐT đang tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và quan điểm của lãnh đạo Sở là không đưa quy định về việc trông giữ HS vào văn bản hướng dẫn sắp tới. Với những trường hợp đặc biệt, ví dụ trường học trong quá trình xây dựng không tổ chức được dạy 2 buổi/ngày, hay những đơn vị vì chưa đủ cơ sở vật chất để tổ chức dạy học cả ngày thì cơ sở giáo dục sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét và có quyết định cụ thể.

- Có nghĩa là, sắp tới việc DTHT ở bậc TH tại Hà Nội sẽ được cấm triệt để, theo ông điều này có khả thi?

- Với địa bàn rộng, số lượng trường học, giáo viên và HS đông như Hà Nội thì việc triển khai bất kỳ quyết định quản lý nào cũng sẽ không đơn giản. Với vấn đề DTHT, ngoài các cấp quản lý, trách nhiệm của hiệu trưởng, nhận thức của GV, sự đồng thuận của phụ huynh và các lực lượng xã hội khác là rất quan trọng. Sở GD-ĐT sẽ có những giải pháp để cán bộ quản lý, giám hiệu các trường đến mỗi GV có nhận thức một cách đầy đủ, từ đó đồng lòng, nhất trí cùng quyết tâm "nói không" với DTHT. Song chúng tôi cũng mong các bậc phụ huynh cùng góp sức bằng cách không cho con đi học thêm, dám tố cáo những GV có dấu hiệu tiêu cực như gợi ý, ép buộc, đối xử không công bằng, dạy trước chương trình, ra bài kiểm tra trong phần dạy thêm và ngành sẽ có phương thức để phụ huynh làm việc này. Đặc biệt là, những người làm cha mẹ cần thấu hiểu một điều, đối với trẻ ở bậc TH, ngoài việc học chúng rất cần được tham gia các hoạt động vui chơi, giúp đỡ gia đình… để phát triển toàn diện và trong việc học thì tự học có vai trò quan trọng hơn rất nhiều HT với cô giáo.

- Xin cảm ơn ông!

 

                                                                                                                                          Minh Đức thực hiện


 
Các tin khác