Hành trình tham quan của chúng tôi trong năm học này là địa điểm Đền Đô tại thị xã Từ Sơn, Đền Đô hay còn gọi là đền Lý Bát đế hoặc Cổ Pháp điện thuộc xóm Thượng – Đình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 20km về phía bắc
Trong cái se se lạnh của đầu đông Hà Nội với những hạt mưa lất phất bay, chúng tôi – những lớp 5 trường Tiểu học Lê Quý Đôn, ai ai cũng nai nịt gọn gàng nhanh chóng vào điểm tập kết và bước lên xe bắt đầu cuộc hành trình với niềm háo hức.
Bắt đầu cuộc hành trình
Với những câu chuyện ríu rít trên xe, chẳng bao lâu xe chúng tôi đã đến với đền Đô, vẻ đẹp cổ kính trong một không gian thoáng đãng thanh bình của ngôi đền đã thu hút chúng tôi ngay từ những phút đầu tiên. Bước qua cái không gian tĩnh lặng, trầm lắng của hàng cây lưu niệm, chúng tôi đến với quần thể chính của khu di tích Đền Đô.
Ơ kìa, bản chiếu dời đô trong bài lịch sử lớp 4 đây mà, bản chiếu dời đô được làm bằng gốm sứ Bát Tràng lớn nhất Việt Nam với 214 chữ ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Qua các thầy cô chúng con đã được biết đến bản chiếu với tầm nhìn thời đại của một vị vua Đại Cồ Việt hơn 1000 năm về trước khi ông chọn Đại La làm kinh đô mới để mưu nghiệp lớn, tính kế phồn vinh, trường kỳ cho muôn đời sau.
Học sinh đang quan sát bản chiếu dời đô làm bằng gốm sứ Bát Tràng
... Và kia cũng ấn tượng không kém đó là công trình nhà thủy đình giữa hồ bán nguyệt được ví: một đóa sen xinh, lung linh hình đất nước quê hương. Hồ bán nguyệt chính là vết tích của dòng sông Tiêu Tương với sự tích giữa chàng Trương Chi và nàng Mị Nương từ ngàn xưa để lại.
Chia tay với Thủy Đình, chúng tôi đến với Ngũ Long Môn (Năm Cửa Rồng) với hình năm con Rồng được trạm khắc tinh vi.
Qua Năm Cửa Rồng, chúng tôi tới một sân Rồng được lát đá dẫn vào nhà Phương Đình 8 mái, trước sân đền chúng tôi cùng các thầy cô giáo được tham dự nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các vị vua triều Lý.
Lễ dâng hương tưởng nhớ các vị vua Lý của thầy trò
Ôi! Nghi lễ dâng hương mới trang nghiêm làm sao! Chúng tôi – những người học trò nhỏ hàng ngày vẫn chạy nhảy nô đùa là thế, vậy mà hôm nay không ai bảo ai mà mọi người đều chắp tay thành kính dâng lên những nén nhang để tỏ lòng biết ơn đến các vị vua thời Lý. Sau lễ dâng hương chúng tôi tiếp tục tham quan các công trình kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo với lối kiến trúc đối xứng đặc trưng của người phương Đông. Qua Phương Đình tiếp đến nhà Tiền Tế và hai nhà vuông với tám mái chồng, dẫn vào Hậu Đô - “Cổ Pháp Điện” là công trình chính của Đền Đô được xây dựng hoành tráng, trang nghiêm. Nơi đây đặt các pho tượng 8 vị vua triều Lý.
Tượng các vị đế vương nhà Lý
Ngắm tượng của các vị đế vương và cho dù là lần đầu tiên nhưng tôi ngỡ như rất quen thuộc. Trong cái không gian tĩnh lặng, trầm lắng, linh thiêng ấy dưới những mái ngói màu nâu không rêu phong cổ kính nhưng vẫn đậm truyền thống, tất cả chúng tôi như bị cuốn trở lại với những bài học lịch sử về triều đại nhà Lý với quốc hiệu Đại Việt cùng những truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông thời kỳ dựng nước.
Chia tay với Đền Đô trở về trường mà tôi và các bạn tôi dường như vẫn bị chìm đắm vào không gian tĩnh tại nơi ấy, miên man dòng suy tưởng về cội nguồn dân tộc và tự nhủ đây sẽ không phải là lần duy nhất về thăm Đền Đô.
Hành trang mang về sau buổi tham quan
. Ôi! tuyệt vời biết bao với chuyến đi thật ý nghĩa và bổ ích ngày hôm nay. Con cảm ơn các thầy cô và nhà trường đã cho chúng con ôn lại kiến thức môn lịch sử Việt Nam một cách thực tế và sinh động qua buổi tham quan này. Chúng con xin hứa sẽ tiếp nối những truyền thống vẻ vang của cha ông và phấn đấu học tập, rèn luyện để luôn là con ngoan, trò giỏi, để luôn xứng đáng là niềm tự hào của Trường Tiểu học DL Lê Quý Đôn.
Vũ Hùng