Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút sởi gây ra, bệnh rất dễ lây và gây thành dịch. Mọi trẻ em chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh. Bệnh có thể gây nên các biến chứng như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, mù loà thậm chí có thể tử vong. Qua nhiều năm triển khai tiêm chủng vắc xin sởi trong tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh sởi vẫn có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng.
Bệnh rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút rubella gây ra. Bệnh rubella ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng. Tuy nhiên, nếu phụ nữ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, trẻ sinh ra có thể mắc hội chứng rubella bẩm sinh (bao gồm các dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển... thậm chí đa dị tật). Trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bệnh sởi và rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin sởi-rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi, rubella. Với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), được sự đồng ý của Chính phủ, trong năm 2014 - 2015 tất cả trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi trong toàn quốc được tiêm 1 mũi vắc xin sởi - rubella miễn phí trong chiến dịch tại các điểm tiêm chủng trong trường học hoặc trạm y tế xã/ phường. Chiến dịch này sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh sởi, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong cộng đồng và hướng tới mục tiêu Loại trừ bệnh sởi trong tương lai.
Ngày 25/3/2015, học sinh trường Tiểu học Lê Quý Đôn được tham gia chương trình Tiêm vắc xin sởi-rubella (đợt 2) trong dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Khám sức khỏe trước khi tiêm phòng.
Vắc - xin tiêm phòng sởi và Rubella.
Các bạn học sinh được đo nhiệt độ.
Bàn khám phân loại.
Thông tin của các bạn được lưu vào sổ.
Các bạn học sinh xếp hàng nghiêm túc chờ khám.
Theo Lê Thắm