Sáng ngày 3/3/2013 tức ngày 22 tháng giêng năm Quý Tỵ được sự quan tâm của Hội Đồng quản trị, Ban giám hiệu trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn kết hợp cùng Công đoàn nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyến du xuân về thăm nguồn cội. Với tiết trời của những ngày đầu xuân vẫn còn se lạnh lại phảng phất thêm những hạt mưa xuân càng làm cho không khí của chuyến đi thêm sôi nổi và háo hức.
Đúng 06 giờ 30 phút gần hai trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường đã ổn định trên xe và bắt đầu chuyến “Du xuân về cội nguồn”. Đoàn xe 5 chiếc nối đuôi nhau theo quốc lộ 32 qua cầu Trung Hà, cây cầu nối giữa thị xã Sơn Tây Hà Nội và thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ. Điểm đến đầu tiên của chuyến du xuân là Đền Mẫu Âu Cơ. Khoảng 8h30 phút cả đoàn đã có mặt ở đền Mẫu. Sau ít phút làm công tác chuẩn bị cả đoàn đã vào làm lễ dâng hương trước anh linh Tổ Mẫu Âu Cơ cầu mong cho mọi người có sức khỏe, bình an. Sau lễ dâng hương cả đoàn tiếp tục đi tham quan, dâng hương Đền Hùng. Đúng 10 giờ đoàn xe đã dừng lại trước cổng Đền, vùng đất địa linh nhân kiệt. Cả đoàn xuống xe đi bộ vào dâng hương. Ðiểm bắt đầu của Khu di tích Ðền Hùng là Ðại môn (cổng Ðền Hùng) dưới chân núi Nghĩa Lĩnh được xây dựng vào năm 1917 với kiến trúc hình vòm cuốn, gồm hai tầng tám mái, trang trí hình rồng, phía trên có đắp nổi hình "Lưỡng long chầu nguyệt". Hai bên cổng có hai cột trụ, phía trên đỉnh có đắp nổi hai con nghê chầu. Giữa tầng một của cổng có bức đại tự: Cao sơn cảnh hành (lên núi cao nhìn xa rộng). Leo dọc con đường với 225 bậc đá ven theo triền núi, cả đoàn dã lên đến Ðền Hạ và chùa Thiên Quang. Ngôi đền do dân làng Vi Cương, xã Chu Hóa (nay là thị trấn Hùng Sơn) huyện Lâm Thao xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ 17 - 18) tại đây đoàn đã làm lễ dâng hương và thưởng ngoạn quanh đền. Tiếp tục cuộc hành trình, cả đoàn đi từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa thi tới Ðền Trung ở lưng chừng núi có tên chữ là "Hùng Vương Tổ Miếu" mà theo huyền sử là nơi Vua Hùng thường cùng các Lạc hầu, Lạc tướng họp bàn việc nước và ngắm cảnh núi non kỳ thú. Đây cũng là dịp để các thầy cô thả hồn mình với những cánh rừng xanh bạt ngàn với không khí trong lành. Từ đền Trung đoàn đi tiếp 102 bậc đá là đến Ðền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với tên chữ là "Kính Thiên Lĩnh Điện" (Ðiện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Đây là nơi Vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Bên trái Ðền Thượng là Lăng Vua Hùng, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ sáu. Lăng có kiến trúc hình vuông, ba cửa vòm quay theo ba mặt bắc, đông, nam. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính); phía trên ba mặt đều có đề Hùng Vương Lăng (lăng Vua Hùng). Khu di tích còn có cột đá thề của Thục Phán dựng lên sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi báu, để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước và đời đời hương khói trông nom nơi thờ tự các Vua Hùng. Lên đến đây ai cũng thành tâm cầu nguyện cho gia đình, người thân và đặc biệt là mong cho trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn ngày càng phát triển, các con học sinh mạnh khỏe, học hành tiến bộ. Trên đường xuống đoàn có ghé thăm Ðền Giếng, tên chữ là "Ngọc Tỉnh" ở phía đông nam chân núi, nơi thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa có công dạy dân trồng lúa, trị thủy. Trong hậu cung của đền hiện vẫn còn một giếng nước, được gọi là Giếng Ngọc, nước trong mát quanh năm mà theo dân gian đây là nơi mẹ Âu Cơ tắm cho các con sau khi sinh. Chính tại Ðền Giếng, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn quân Tiên Phong và giao nhiệm vụ cho đơn vị tiếp quản Thủ đô sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ và căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Rời đền Giếng cũng là lúc Đoàn CB, GV, NV của trường tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn kết thúc chuyến du xuân về nguồn đầy ý nghĩa.
Chuyến du xuân đã đem lại cho Cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường một niềm vui trọn vẹn đầu năm mới. Mặc dù không nói ra nhưng ai cũng thầm hứa phải làm tốt mọi việc để đền đáp công ơn với Tổ tiên mình, cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác trồng người.
Một vài hình ảnh trong chuyến đi