» Tin tức
Tin tức - Sự kiện
Chuyến du xuân đầu năm của cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường

     Sáng ngày 15/2/2014 tức ngày 16 tháng giêng năm Giáp Ngọ Ban giám hiệu trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn kết hợp cùng Công đoàn nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyến du xuân tới Chùa Keo, Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và  Đền Trần thuộc tỉnh Thái Bình. 

     Thời tiết của những ngày đầu xuân vẫn còn se lạnh lại phảng phất thêm những hạt mưa xuân, thật thích hợp cho chuyến du xuân đầu năm.  Khoảng 8h30 phút cả đoàn đã có mặt ở Chùa Keo. Chùa Keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

 

 

Nhìn từ ngoài vào, Chùa Keo thật thanh bình... 

 

 

 

...soi mình bên hồ nươc xanh.

 

     Chùa Keo có tới 107 gian, là một trong 10 kiến trúc cổ nhất Việt Nam. Chùa còn lưu giữ khá đầy đủ những di vật cổ, trong đó có hàng trăm pho tượng cổ thời Lê và nhiều bức trạm, bức khắc. . . Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thế kỷ 17, cao 11,04m và có 3 tầng mái. Tầng 1 có treo 1 khánh đá dài 1,87m, tầng hai có quả chuông đúc năm 1686, tầng 3 và tầng thượng có chuông đúc.

 

 
 
Gác chuông của Chùa Keo
 
 
 
Khuôn viên bên trong Chùa Keo 
 
 
 
Những con đường xanh và sạch xung quanh chùa
 

     Tạm biệt của Keo, cả đoàn đến với Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, Tại thôn Phú Hiếu nay là thôn Đồng Phú xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Khu lưu niệm nhà Bác học Lê Quý Đôn bao gồm: Từ đường Lê Quý đôn và Lăng mộ Hà quận công Lê Trọng Thứ là thân phụ nhà bác học và Hồ Lê Quý. Khuôn viên từ đường rộng 1920m2. Lăng mộ cụ Lê Trọng Thứ là 579m2. Hồ Lê Quý với diện tích 9812m2. Từ đường Lê Quý đôn nguyên xưa là nhà cụ Lê Trọng Thứ sau được xây dựng lại thành từ đường, toàn thể bao gồm: Toà nhà kiến trúc theo kiểu chữ nhị, toà đệ nhị theo kiểu “Hồi văn ba đấu” kiến trúc theo kiểu “Kèo cầu trúc báng” trạm trổ bình thường chủ yếu là bào trơn. Nơi đây là nơi tụ họp của cả dòng họ Lê Quý hằng năm nhân kỳ dỗ của cụ Lê Trọng Thứ và cụ Lê Quý Đôn. Ba gian toà đệ nhị được trang trí ba bức hoành phi chữ hán thứ tự từ trái sang phải là: “Vật bảo trên hồ tàn mặc lưu hương, văn hiến truyền gia”. Đó là các bức hoành phi được trang trí phù hợp với nơi thờ phụng các doanh nhân đồng đại khoa và các dòng họ văn hiến. Kế theo đệ nhị là hậu cung nơi đây được bài trí ngai thờ tiền nhân và Lê Trọng Thứ cùng Lê Quý Đôn và hậu thế của Lê Trọng Thứ cùng Lê Quý Đôn.

 
 
Cổng vào khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn
 

     Tham quan khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, đoàn cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường càng thêm tự hào về ngôi trường mà mình đang được làm việc.

Đoàn trường Lê Quý Đôn chụp ảnh lưu niệm trước sân Từ Đường

 

     Điểm đến tiếp theo của cả đoàn là Đền Trần. Đền Trần có diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.

 

Cổng Đền Trần - Thái Bình

 

 

Con đường dài dẫn vào Đền Trần - Thái Bình 

 

     Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian, như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng. Đây cũng chính là điểm đến thứ ba của chuyến du xuân đầu năm Giáp Ngọ.

 

Lễ dâng hương bên trong Đền Trần - Nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.

 

     Chuyến du xuân năm nay đầy ý nghĩa và mang và đã đã đem lại cho tất cả mọi người trong đoàn một niềm vui trọn vẹn đầu năm mới. Chúc các thầy cô trong toàn trường có một năm mới hạnh phúc, sức khỏe dồi dào để cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người.
 
 Ban Biên tập
 
 

 

 
Các tin khác