» Tin tức
Gương mặt tiêu biểu
Bố mẹ hay bạn

 Để trả lời câu “Bố mẹ có thể đối xử với con cái như bầu bạn không?”, hãy phân tích mối quan hệ gia đình với những yếu tố cơ bản, sinh lý và xã hội.Người là con sinh vật đẻ ra với một cơ thể, đặc biệt là một hệ thần kinh kém hoàn chỉnh nhất trong các động vật. Nếu con mèo ba tháng đã đủ sức sống độc lập, thì trẻ em ba năm vẫn chưa đầy đủ khả năng vận động và giác quan và mãi đến 18-20 tuổi mới có khả năng sinh sống độc lập.

Trẻ còn phải qua một thời gian rất dài, cần đến người lớn mới giải quyết được những nhu cầu sinh lý đơn giản nhất, ăn uống, tiểu tiện, đại tiện, tắm rửa, che nắng che mưa; trong nhiều năm bố mẹ phải bồng bế bón cho ăn, dắt tập đi, tập cho dùng cái dao, cái kéo. Da kề da, tay nắm tay, quan hệ giữa bố mẹ và con cái là một quan hệ “ruột thịt” gắn chặt với những nhu cầu sinh lý cơ bản, nên nó rất sâu sắc. Bố mẹ chủ yếu không phải chỉ là những người cùng một dòng huyết với con, mà chủ yếu là những người đã chăm sóc con trẻ trong thời gian thơ ấu ấy. Đây là một mối quan hệ đặc biệt, khác với những quan hệ xã hội khác, như quan hệ giữa bạn bè, giữa thầy trò, giữa đồng chí với nhau.Hơn nữa vì tính chất phụ thuộc của con cái, vì còn phải bảo vệ cho con em còn thơ ngây, nên cha mẹ còn có uy quyền đối với con cái. Trong một thời gian dài, bố mẹ thường phải nêu ra những nguyên tắc, những lời răn buộc con phải tuân theo, không thể giải thích hết được. Con đường lớn lên của con cái là tiếp nhận tất cả những sự giúp đỡ và giáo huấn của bố mẹ, đồng thời thoát khỏi sự đùm bọc và ràng buộc của gia đình, tiến lên tự lập. Mâu thuẫn giữa yêu cầu được che chở, được giúp đỡ và nhu cầu tự lập xảy ra hàng ngày, từ lúc bé bắt đầu biết đi cho đến 20-25 tuổi. Lẽ tự nhiên ở mỗi tuổi, mâu thuẫn này biểu hiện ra khác nhau. Hai tuổi thì muốn giành lấy cái bát cái chén để ăn, để uống, không cho bố mẹ cầm lấy nữa, 17-18 tuổi thì muốn tự mình lựa chọn lấy bạn, lấy người yêu, không muốn bố mẹ can thiệp vào. Bố mẹ cũng không thể để đứa con hai tuổi “tự do” làm vỡ chén, hay đứa con 18-20 tuổi lấy phải một người chồng hay vợ không tốt.Giải quyết tốt mâu thuẫn này là giáo dục gia đình tốt. Đùm bọc quá mức, quá lâu làm cho con cái mất hết sinh khí, hoặc đâm ra phản ứng quá đáng, buông lỏng, không nhận lấy trách nhiệm của bố mẹ cũng không giúp gì cho con cái trưởng thành. Mỗi xã hội, mỗi thời đại giải quyết mâu thuẫn này một cách. Phong kiến ủy cho người bố quyền tuyệt đối, con cái chỉ biết phục tùng, không kể tuổi tác. Trong xã hội phong kiến, ngay lúc lớn rồi, cũng không chắc gì con người dễ sinh sống lúc thoát khỏi phạm vi của gia đình, vì gia đình đồng thời là đơn vị sản xuất cha truyền con nối. Kỹ thuật nghề nghiệp, và lề lối sinh hoạt đời này qua đời khác không thay đổi, thế hệ thiếu niên thanh niên chỉ biết làm theo cha ông. Kinh nghiệm cuộc đời được đúc kết trong lời giáo huấn của cha ông. Mâu thuẫn bố mẹ con cái trong xã hội phong kiến được giải quyết bằng cách xóa bỏ quyền hành của con cái. Sự phục tùng trong gia đình tạo ra những con người sẵn sàng phục tùng trật tự khắc nghiệt của xã hội. Hiếu với bố một cách tuyệt đối chuẩn bị cho sự chấp nhận trung với vua xem vua như con trời, toàn năng toàn quyền.Trong xã hội tư bản, chủ nghĩa cá nhân biến mỗi gia đình thành một hòn đảo, biến từng con người thành một khối đòi hỏi mâu thuẫn giữa bố mẹ con cái lên đến tột độ, vì hai bên buộc phải chung sống trong một khuôn khổ chật hẹp. Con thì mong muốn độc lập nhưng bị ràng buộc vì gia tài, vì địa vị, lòng hy sinh thường thấy của bố mẹ đối với con cũng bị chủ nghĩa cá nhân làm phai nhạt đi. Xung đột ngấm ngầm từ lúc còn bé đến tuổi thanh niên thường nổ ra và đến lúc bố mẹ ở chung với con đã phải đi ở riêng. Trong xã hội tư bản, tình không đi đôi với nghĩa, quan hệ giữa bố mẹ và con cái đi từ mối ruột thịt trông có vẻ rất thân thiết đến sự buông lỏng vô trách nhiệm.Chúng ta không đi qua giai đoạn phát triển tư bản, đó cũng là một điều lợi về mặt gia đình, đại đa số bố mẹ vẫn giữ được lòng hy sinh tận tụy đối với con cái, quan hệ ruột thịt thường vẫn chặt chẽ. Nhưng cũng ít người nghĩ rõ, xã hội ngày mai, trong đó con em chúng ta sẽ sinh sống, sẽ hoàn toàn khác xã hội ngày nay, và nhất là xã hội trong đó chúng ta mang theo những ấn tượng và lối suy nghĩ của thời non trẻ, nên ngày nay chúng ta rất khó hiểu những thế hệ mới. Thông thường đối với con cái đã lớn, bố mẹ vẫn đối xử như là hồi còn bé bỏng. Cho nên đến tuổi nào đó, mâu thuẫn xuất hiện. Thầy cô bảo thế này, bố mẹ dạy thế khác. Bố mẹ mong muốn cho con thành đạt theo kiểu bố mẹ mơ ước, hoặc bố mẹ không biết gì về học hành, nghề nghiệp của con có ý thức về mâu thuẫn mới giải quyết được, bằng không chỉ còn cách đổ lỗi cho con cái, cho nhà trường, cho bầy bạn của con. Ý thức tự lập của trẻ em ngày nay rất lớn, chúng ta không thể buộc chúng sinh hoạt theo khuôn mẫu thời xưa; chính vì chúng ta không hiểu hết những biến chuyển trong xã hội ngày nay, mà nhiều khi trẻ lại nhạy cảm hơn ta, nên giữa bố mẹ với con cái thường phải có sự trao đổi. Con cái ra đời vấp váp gì, quay về nói ý kiến bố mẹ, bố mẹ biết hỏi han, biết gợi sự suy nghĩ của con, rồi cùng nhau tìm ra giải pháp, đó là ý nghĩa của phương châm, bố mẹ đối xử với con như những người bạn thân. Đó là thể hiện tính dân chủ của gia đình ngày nay.Nhưng dù con lớn đến đâu, tình ruột thịt do thời thơ ấu để lại không bao giờ xóa mờ. Con người ta dù vững vàng đến đâu cũng có lúc cần có một chỗ dựa về vật chất hay tinh thần. May mắn cho những người nào gặp những lúc yếu đuối còn có bố mẹ để trở về gia đình ấm cúng, trong một thời gian, buông tay, trút mọi trách nhiệm, ngả vào lòng - theo nghĩa tượng trưng - của bố mẹ. Những lúc đó bố mẹ không còn là người bạn nữa, mà thật là bố mẹ theo nghĩa nghìn xưa. Sau khi nhận được sự an ủi ấy, người con trở lại cuộc đời sung sức hơn, sẵn sàng hơn. Nếu có những lúc thì nâng niu chiều chuộng, lúc thì răn đe, mắng mỏ, trừng phạt, lúc ấy bố mẹ không phải là bạn; nhưng cũng nhiều lúc cần trao đổi bàn bạc, và ngay cả dùng châm biếm để gợi cho con cái suy nghĩ, những lúc ấy bố mẹ làm như người bạn thân.

Vai trò bố mẹ ngày nay phức tạp hơn xưa, đa dạng hơn, đòi hỏi phải suy nghĩ, phải hiểu biết chứ không thể đơn giản ép cho con cái những khuôn mẫu cố định nữa.

Nguyễn Khắc Viện - Trích Phụ nữ Việt Nam 12, Số 37 - 492

 

 
Các tin khác